Đầu năm 1920, tại đầu cầu Quang, thị trấn Bến Cát, tỉnh Thủ Dầu Một có khai trương phòng mạch phước thiện của Lương Y Nguyễn Văn Phiện – mọi người thường gọi là Thầy Sáu Phiện.
Thầy Sáu sinh năm 1890 tại xã Lại Hưng, huyện Bến Cát, Thủ Dầu Một và là cháu đời thứ 5 của võ tướng họ Nguyễn nhà Tây Sơn. Khi chúa Nguyễn Ánh tàn sát nhà Tây Sơn, ông tướng tử trận. Nhờ được người dân che dấu, gia đình và con cháu đã dời vào phía nam và đổi thành họ Huỳnh để lánh nạn.
Lúc nhỏ Thầy Sáu mang họ Huỳnh, do đặt theo họ của cha – ông Huỳnh Văn Là. Lớn lên thầy được cha cho biết về nguồn gốc của mình. Đầu năm 1920, khi mở phòng thuốc phước thiện có tên là Y Cứu Thiện Sinh tại Bến Cát, thầy đổi tên về họ Nguyễn là họ gốc của thầy.
Như các anh em trong nhà, thầy Sáu được gia đình cho học đủ cả văn lẫn võ. Khi còn bé thầy Sáu hay đau yếu, lại có lòng thương người, Thầy thường lấy gạo trong nhà đem cho người nghèo. Do vậy, gia đình cho thầy đi học thêm châm cứu và y thuật để mong tự giúp mình và giúp người.
Tiếng lành đồn xa, phòng thuốc phước thiện Thầy Sáu Phiện được nhiều người đến xin chữa trị. Bởi chữa bệnh không lấy tiền nên chỉ một thời gian ngắn, dân nghèo trong vùng đều biết và tới thầy xin chữa trị. Thầy Sáu đã truyền dạy lại cho con cháu y thuật và kỹ thuật châm cứu để phụ thầy chữa trị người bệnh.
Trong Y học Cổ truyền, kiến thức y thuật và kỹ thuật châm cứu rất bao la và phức tạp, khó có thể truyền dạy trong thời gian ngắn. Do vậy thầy Sáu Phiện đã nghiên cứu và triển khai cách thức chữa bệnh bằng Nhiệt Cứu Pháp – tức phương pháp chữa bệnh bằng nhiệt, rất hiệu quả và dễ áp dụng vào chữa trị cho nhiều loại bệnh tật.
Người tài thường vắn số. Thầy Sáu qua đời ngày 27/7/1932 do bị tai nạn khi cùng con cháu xây sửa lại phòng thuốc phước thiện Y Cứu tại cầu Quang, Bến Cát, . Thầy để lại cho con cháu phương pháp chữa bệnh Y Cứu Liệu Pháp, một bài luyện công chữa bệnh Y Cứu Bộ Công và một sự nghiệp phước thiện còn dang dở.
Tiếp nối sự nghiệp chữa bệnh phước thiện của thầy Sáu Phiện sau này được thực hiện bởi người em thứ 9 của thầy là cụ Huỳnh Văn Dơn.
Ông Chín Dơn được gia đình cho đi học trường Pháp Ngữ từ nhỏ. Năm 1924 ông tốt nghiệp khoa Luật tại Đại học Đông Dương và được vua Bảo Đại bổ nhiệm làm quan tri huyện tại tỉnh Tây Ninh. Nhận thấy việc làm quan ko thỏa được chí lớn, năm 1929 ông Huyện Dơn từ quan, về mở công ty xây dựng, khai khẩn mở đồn điền cao su và kinh doanh rất thành công.
Năm 1944 ông Chín Dơn tham gia Tịnh Độ Cư Sĩ Phật Hội và trở thành đại đệ tử của phật hội. Ông đã tự bỏ tiền xây hơn 100 ngôi chùa cho Tịnh Độ Cư Sĩ, trải dài từ Qui Nhơn vào tới Mũi Cà Mau.
Điều ông Chín Dơn tâm đắc nhất khi sinh thời là bất kỳ ngôi chùa nào của Tịnh Độ Cư Sĩ đều có phòng thuốc phước thiện, để chữa trị miễn phí cho bá tánh, đặc biệt là cho người nghèo.
Dựa trên nền tảng của Y Cứu Pháp, con cháu của thầy Sáu đã từng bước nghiên cứu và bổ sung các kiến thức y học hiện đại vào để giải thích và vận dụng Y Cứu Pháp vào thực tế chữa trị các loại bệnh tật.
Để tiếp tục sự nghiệp của thầy Sáu Phiện và ông Chín Dơn, con cháu của thầy quyết định khôi phục lại Y Cứu Thiện Sinh, là nơi tiếp tục truyền dạy và hướng dẫn cách trị bệnh cho mọi người bằng Y Cứu Liệu Pháp và Y Cứu Bộ Công. Y Cứu Thiện Sinh ngày nay tự hào được chia sẻ cùng bạn các kiến thức và các ứng dụng mới được sáng tạo và phát triển từ nền tảng mà thầy Sáu Phiện để lại.
Chào mừng bạn đến Y Cứu Thiện Sinh!